tren-duong-bang-ung-xu-voi-tien-nong

Với đồng tiền, chúng ta không khinh cũng không trọng. Nên trả nó về vị trí là “phương tiện trao đổi hàng hóa“. Phương tiện thì lúc được, lúc mất. Vỏ sò, tiền xu, tiền giấy, tiền gửi nhà băng… đều chỉ là phương tiện trao đổi hàng hóa hàng ngàn năm nay và mãi mãi về sau.

1. Mỗi bạn trẻ muốn thành đạt phải xây dựng bản lĩnh trước tiền. Thực tế có rất nhiều người trước tiền bạc họ không mảy may thay đổi. Có người bản chất là đẳng cấp như vậy, nhưng có người phải qua rèn luyện mới có. Có những người bạn của Tony, cứ cần tiền là họ hỗ trợ vài ba tỉ đồng, chẳng hạn lúc cao điểm vào mùa, khi giấy tờ nhà cửa của Tony đều nằm trong nhà băng để làm thế chấp vay vốn mua nguyên liệu sản xuất, chả còn gì để thế chấp ngoài lòng tin. Nhưng khi có được tiền, dù chút xíu, Tony trả ngay, trả từng phần nếu số tiền lớn quá. Và tới lượt họ cần, mình phải giúp lại, thậm chí thế chấp nhà đứng ra vay để cho họ mượn. Có người bạn thân sắp mổ mắt ở Singapore, cần vài trăm triệu, Tony sắp xếp cho mượn ngay trong tích tắc, chỉ vì Tony từng được người đó giúp năm triệu đồng lúc khó khăn nhất của thời sinh viên. Mang ơn và trả ơn, đó là tình là nghĩa, là ở ăn như bát nước đầy. Muốn miễn nhiễm với sự tham lam tiền bạc của người khác, thì phải nghĩ cho người khác. Các bạn cũng áp dụng tôn chỉ này khi quyết định cho ai vay mượn. Thể loại cá nhân chủ nghĩa, cái gì cũng vun vén cho bản thân họ, gia đình họ, thì phải nói “không“, một xu cũng không. Chỉ có những người nghĩ về người khác, hay làm việc thiện, quan tâm chăm sóc người khác thật lòng, mình mới cho mượn, bao nhiêu cũng cho. Đơn giản là người như vậy mới quý trọng tiền của mình, mới trả lại cho mình nhanh chóng. Trong các quan hệ người với người, chỉ có quan hệ mẹ – con là vô điều kiện. Duy nhất, vì đứa con trong bụng tách ra thì coi như 1 thành 2, các quan hệ khác đều dựa trên một sự đổi chác nào đó, dù ít dù nhiều. Cho nên mẹ cho thì lấy rồi thơm mẹ một cái coi như hết nợ, các khoản tiền khác của người khác, tuyệt đối không lấy nếu không làm cho người ta cái gì đó, kẻo mang nợ vào thân. Tiền vào túi mình phải là từ mồ hôi, nước mắt, sức lao động và trí tuệ của mình. “Ăn cơm chúa, múa tối ngày“, chúa cho mình ăn thì mình phải múa cho ổng coi. Người ta bao mình đi ăn năm lần thì mình phải bao lại một lần.

2. Đừng để đồng tiền leo lên đầu lên cổ. Khi vay mượn của ai đó, mình phải có tâm niệm trả lại ngay lập tức, nhịn đói đi trả xong hẵng về ăn sáng. Tập thái độ vì người khác trước mọi cái lợi của cá nhân mình. Khi mình vay mượn mà chưa trả được, đừng để người khác đòi. Phải chủ động liên hệ, xin khất, hoặc nói thật lòng, xin gia hạn thêm. Đừng ngại, sĩ diện kiểu châu Á là ngại gặp mặt, cuối cùng mất quan hệ. Mình chủ động giữ liên lạc thì chủ nợ sẽ yên tâm hơn là “lặn mất tăm” như cách nhiều người vẫn đang làm. Rất uổng. Có một nhóm tình nguyện giải cứu nông sản (tức xuống nông dân mua nông sản khi bị đổ đống để đem lên thành phố bán vào cuối tuần, không cần lợi nhuận) ở địa phương nọ, có lần nhận 50 triệu của một mạnh thường quân để mua bí đỏ, việc xong rồi nhưng các bạn không trả lại ngay, “để dành làm vốn kinh doanh nông sản khác, người ta có đòi đâu“. Nhiều công ty có sở thích dây dưa công nợ, lúc vay mượn thì ngon lành,lúc trả thì “thấy tiếc” cũng vì tâm lý này của giám đốc hay kế toán trưởng. Chủ nợ phải đòi gắt chứ không là họ đem gửi ngân hàng, dù chỉ một ngày để có “lãi suất qua đêm“. Nên mới có thành ngữ “đứng cho vay, quỳ xuống đòi“. Bạn trẻ muốn thành đạt, phải từ bỏ ngay lối suy nghĩ HẠ ĐẲNG ấy, nếu muốn người ta giúp mình lần hai.

Có chuyện này cần kể. Năm 1999, Tony có quen anh khách hàng. Anh thành lập doanh nghiệp, rủ người em trai đang dạy học về làm cùng. Anh em đồng tâm hiệp lực, tuần nào cũng chạy xe lên Lạng Sơn buôn hàng về, sau này công ty có nhà máy to vật vã, ai cũng đi xe hơi vài ba tỉ. Chuyện bắt đầu khi người em đưa cô vợ vô làm kế toán. Có mấy khoản thu chi không rõ ràng, người anh bắt đầu nghi ngờ, lập tức đưa vợ mình vô làm phòng tài chính nhằm kiểm soát. Ản quen nhịn không quen, một thời gian thì chị này phát hiện cô em dâu đã thậm thụt ý đồ ra một công ty mới, đem khách hàng và đánh lén hàng sang đấy bán. Rồi bắt quả tang, anh em to tiếng, cãi vã nhau khốc liệt, tách thành hai công ty, cạnh tranh nhau từng đơn hàng một. Mỗi lần giỗ cha, hai anh em cùng về nhưng phải chờ bên ngoài, cô Út nhắn tin: “Anh cả thắp hương xong và về rồi” thì anh hai mới đánh xe vô nhà. Người mẹ ngồi buồn, khóc miết, mỗi lần Tony tới thăm là ước ao “giá ngày xưa thằng cả đừng kêu em nó vào làm“. Đến lúc mất, người ta phát hiện cả xấp đô la mới toanh bà không hề đụng đến, kể cả bào ngư vi cá yến sào nhân sâm hai anh em mang sang tặng chất đống trong phòng ngủ. Vì cái bà cần là tình yêu thương, cái đã không mua được bằng tiền. Sức mạnh tình cảm của một người mẹ không chiến thắng được sức mạnh lòng tham của hai đứa con, nay lại thêm hai cô con dâu cũng cứ thấy hơi đồng thì mể. Trước sức mạnh đồng tiền, anh em ruột trở thành đối thủ không đội trời chung.

Ông doanh nhân gì đó nói, chỉ có hai thứ người ta không mua được bằng tiền là sức khỏe và tình yêu. Người ta sẽ không nhận ra điều này đến khi mắc phải bệnh nan y. Người ta không biết người ta đến với mình vì lý do gì cho đến khi sa cơ lỡ vận. Kẻ thù hôm nay, ngày mai có thể là bạn bè và ngược lại. Vì không có bạn hay thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn, nên đừng sợ mất một quan hệ trong làm ăn, ngày mai cần, người ta sẽ liên hệ lại.

Tham là phải có, nếu không, sống sẽ vô vị, làm việc sẽ kém động lực đi. Nhưng tiền phải do mình làm thì mới là của mình. Quy luật cơ bản nhất của mọi quy luật là nhân quả, tức là người ta sẽ thu lại cái mà người ta đã cho đi trong quá khứ, và sẽ phải trả lại những gì đã lấy đi. Tây Tàu gì đều có quy luật này. Mình lấy của người ta một đồng, sau này mình phái trả 5-10 đồng, con cháu, dòng họ mình phải trả, khổ lắm. Nên bạn nào lỡ lấy gì của ai, từng lấy gì của ai, hãy mau mau trả lại.

Kể nghe chuyện cuối, hồi năm 2006, Tony có quen bạn M., vô cùng giỏi, làm trưởng phòng một công ty rất lớn. Thân thiết nhậu nhẹt cả 2-3 năm, có lần M. rủ Tony bỏ 100 triệu mua “suất mua cổ phiếu” của bạn. Vì công ty bạn ấy không bán cho người ngoài, bạn cam kết là nếu không cổ phần hóa sau một năm thì bạn sẽ trả lại, có giấy tờ hẳn hoi. Nhưng năm sau, công ty không cổ phần, Tony cho người liên hệ 5-6 lần, M. đều lánh mặt, email, nhắn tin không trả lời. M. đổi số điện thoại, Tony nhờ đứa em tìm đến nhà đòi hai lần không được. Thấy mệt quá nên Tony bỏ luôn. Vì kiện tụng thì mấy phí thuê luật sư, lại tốn thời gian, thôi thì tập trung xuất khẩu, sẽ có 50 ngàn USD tiền lãi từ mấy container N.P.K xuất qua Trung Đông, mất 100 triệu được một tỉ. Mất tiền học phí để có được sự trải nghiệm, biết được gương mặt ánh mắt cái miệng như vậy là không đáng tin. Tony mỗi lần mất, tự nhủ là sẽ được bù lại cái gì đó lớn hơn, nên lòng chẳng buồn phiền lâu. Còn M., nghe nói sau này ra riêng, vật vã 2-3 năm không thành công, dù trí tuệ, kiến thức, kinh nghiệm làm việc đầy mình. Khởi nghiệp lần 2, lần 3 cũng thất bại nên nộp đơn xin đi làm lại. Có lần một tập đoàn lớn tuyển phó tổng giám đốc, lương hơn chục ngàn đô/ tháng, Tony có ngồi hội đồng xét tuyển vì làm cố vấn cho chủ tịch HĐQT Đọc hồ sơ CV gửi qua email, thấy còn hai ứng viên trong đó có M., chính xác cái tên ấy, từng làm qua công ty ấy nên Tony chọn bạn kia. Anh chủ tịch HĐQT sau khi phỏng vấn (ảnh sợ bỏ sót nhân tài), nhận xét nói gương mặt này khôn quá, mình không có cảm tình thì đối tác cũng vậy, để bạn ấy điều hành thì công ty sẽ khó đi lên. M. nhận được ít phiếu hơn nên trượt, và chẳng bao giờ hiểu tại sao. Nhưng độc giả thì hiểu rồi nhé. Quả ngọt khi cây được trồng trên đất lành. Người thành đạt và giàu có bền vững khi họ có sự trung thực, sự chính trực và không tham của người khác. Bữa Tony lên dự lễ nhậm chức phó tổng mới, bàng hoàng nhận ra anh là người quen cũ, dù Tony bữa đó mới biết tên anh là Q. Cách đây 14 năm, một người anh họ của Tony (có chung nhà trọ) bị tai nạn giao thông lúc nửa đêm ở cầu Thị Nghè, chính Q. là người chở anh Tony vào bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu, dù máu me dính đầy chiếc xe ô-tô Martiz mới cáu (giờ mới biết là lúc đó Q. mới đi du học về). Q. gọi điện cho Tony lên bệnh viện để bàn giao, tiền viện lúc đó khoảng năm triệu, phải đóng tiền để mổ ngay. Thấy Tony quýnh quáng gọi điện về quê mượn tiền nên Q. lẳng lặng ra ngoài rút tiền ở máy ATM, vô dúi vào tay Tony, nói lo cho anh đi. Tony có xin số điện thoại và địa chỉ của Q. để sáng mai lên trả lại. Q. có lẽ nhìn thấy chiếc xe máy cà tàng của Tony và đống sắt vụn của ông anh, nên nói thôi không sao đâu, rồi kiên quyết bỏ đi. Vì quá vội lo cho anh nên Tony chỉ kịp chạy theo ra bãi giữ xe cúi đầu cám ơn, thấy ghế sau xe dính đầy máu, còn Q. bình thản ngồi vào ghế lái, gương mặt thản nhiên và bình an. Đàn ông đẹp phải là như vậy, thấy người hoạn nạn ra tay giúp đỡ mới là trang nam tử, mới là người văn minh. Máu người thì cũng sợ đấy, nhưng sẽ là bình thường khi lòng nhân ái của chúng ta lớn hơn. Tony nhìn theo bóng chiếc xe chạy xa dần ra khỏi cổng bệnh viện, trong lòng thấy xúc động vô cùng, bất giác nước mắt lăn dài trên má. Đến bây giờ, anh em nhà Tony cứ áy náy, mong gặp lại một lần để trả nợ. Ai ngờ quả đất thì tròn. Tròn lắm. Xoay tròn nhân và quả, quả và nhân. Người tốt, người hào sảng trên đời hãy còn nhiều lắm…

Các bạn đang đọc bài viết “Ứng xử tiền nong” của tác giả Tony Buổi Sáng. Ứng xử tiền nong là một tác phẩm trong tuyển tập Trên đường băng.

Nguồn: TnBS/ Sachvui.com

Tony buổi sángTrên đường băng

Gửi bình luận